Trong thời điểm ngành Logistics ngày càng “hot” như hiện nay, chắc hẳn rất nhiều người có mong muốn tìm hiểu sơ lược hay thậm chí “dấn thân” vào ngành dịch vụ tiền năng này.
Câu hỏi “Freight Forwarder là gì?” có lẽ là một trong những câu hỏi sẽ được nghe thấy nhiều nhất bởi đây là khái niệm vô cùng cơ bản khi bạn bắt đầu tiếp xúc với lĩnh vực này.
1. Forwarder là gì?
Đối với những “người qua đường”, khó có thể giải thích cho họ hiểu ngay, thì có thể trả lời đơn giản rằng “đây là nghề giao nhận vận tải/kho vận, căn bản là bên trung gian thu xếp dịch vụ vận tải cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Nói về thuật ngữ, Freight Forwarder (gọi tắt là Forwarder) nhắc đến người/đơn vị làm nghề giao nhận vận tải (forwarding).
Đây là một bên trung gian, có thể nhận vận chuyển hàng của chủ hàng hoặc gom nhiều lô hàng nhỏ (consolidation) thành những lô hàng lớn hơn, sau đó sắp xếp (hãng tàu, hãng hàng không) vận chuyển từ điểm xuất phát tới địa điểm đích.
Các Forwarder thường thu xếp tiếp nhận và luân chuyển hàng hóa của doanh nghiệp ở trong nước cũng như quốc tế thông qua đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt hoặc kết hợp các hình thức vận tải trên.
Quy mô của FWD hết sức đa dạng: có thể là những cá nhân làm việc đơn lẻ hoặc có thể là các doanh nghiệp toàn cầu với hàng nghìn nhân viên.
2. Forwarder có ý nghĩa gì trong giao thương hàng hóa?
Để trả lời câu hỏi “Tại sao lại cần các dịch vụ giao nhận vận tải?”, ta có thể liệt kê một số lý do chính như sau:
- Đối với những doanh nghiệp nhỏ, việc liên hệ trực tiếp với các hãng vận tải không hề dễ dàng, đặc biệt là trong quá trình thương lượng để đảm bảo mức giá hợp lý nhất.
- Nhiều chủ hàng riêng lẻ chỉ có nhu cầu vận tải các lô hàng nhỏ (số lượng không đủ đáp ứng một container). Việc hàng hóa quá lẻ tẻ chắc hẳn sẽ gây khó khăn trong quá trình làm việc với hãng tàu.
- Chi phí vận chuyển hàng lẻ sẽ cao hơn bởi không có mức ưu đãi đối cho lượng hàng lớn. Nếu chủ hàng muốn tiết kiệm thì cần phải tự liên hệ với các chủ hàng khác, rất mất thời gian và còn yêu cầu phải có nhiều mối quan hệ.
Có thể giải quyết phần lớn các vấn đề trên, Forwarder tham gia vào chuỗi cung ứng và thực hiện các công việc như:
- Là trung gian giữa đơn vị vận tải và khách hàng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
- Tìm tuyến đường vận chuyển tốt nhất, phương thức và hãng vận tải phù hợp nhất cho nhu cầu của từng chủ hàng.
- Thu xếp các lô hàng nhỏ và đóng ghép (consolidate), sau đó vận chuyển tới địa điểm đích. Nhờ FWD, từng chủ hàng riêng lẻ có thể tiết giảm chi phí đáng kể.
Theo đó, Forwarder sẽ đóng vai trò chủ động làm việc với hãng tàu, với hải quan và các chủ hàng khác nhau.
Nhờ vào các mối quan hệ, gom được số lượng hàng lớn cùng với chuyên môn về vận chuyển, FWD có thể dễ dàng nắm được các tuyến đường nhanh chóng nhất cũng như các hợp đồng vận chuyển tốt nhất.
Sử dụng dịch vụ từ FWD, bạn sẽ nhận được mức phí ưu đãi hơn, giảm thiểu local charge tại các cảng hoặc vùng lãnh thổ,…
Lý do chính mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường có thêm Forwarder là để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.
Một số dịch vụ khác của Forwarder
Ngoài việc thu xếp việc vận chuyển, các cá nhân/công ty giao nhận còn cung cấp nhiều dịch vụ phụ trợ khác. Một số dịch vụ phổ biến có thể kể đến như:
- Thông quan: Thay mặt chủ hàng hoàn tất các hồ sơ thông quan và nộp thuế xuất nhập khẩu
- Xử lý các vấn đề liên quan đến chứng từ: vận đơn (B/L), giấy chứng nhận xuất xứ (CO), giấy phép xuất nhập khẩu,…
- Quản lý chuỗi cung ứng – Quản lý hàng tồn kho – Logistics
- Tư vấn cho những khách hàng mới bước chân vào thị trường thương mại quốc tế
3. Lựa chọn FWD (Forwarder) có quan trọng?
Cho dù là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay đơn vị sản xuất cần vận chuyển hàng hóa, thì việc lựa chọn một nơi cung cấp dịch vụ Forwarding phù hợp cũng rất đáng lưu tâm.
Thông tin về các đối tác FWD tiềm năng có thể tìm kiếm trên Internet, các trang vàng, các hiệp hội giao nhận (VIFFAS), hoặc qua các mối quan hệ cá nhân.
Khi đã liệt kê được các Forwarder uy tín, bạn cần cân nhắc để chọn lựa Forwarder phù hợp nhất.
3.1 Tiêu chí để lựa chọn Forwarder
- Chuyên tuyến dịch vụ của Forwarder: Chẳng hạn bạn cần vận chuyển hàng thủ công mỹ nghệ sang Mỹ, vậy liệu Forwarder này đã có kinh nghiệm đối với hàng hóa của bạn trên tuyến Việt Nam-Hoa Kỳ chưa?
- Chi phí trọn gói: bạn cần cân nhắc tổng chi phí mà bạn có thể đáp ứng.
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng: đơn vị FWD có tận tình hỗ trợ cho bạn trong quá trình cung cấp dịch vụ không? Điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
- Các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms): Cần đặc biệt chú tâm đến các điều khoản phổ biến như: FOB, CIF, CNF, DDU…
- Các bên liên quan: hãng tàu/hàng không, cảng, CFS/Depot…cùng các chứng từ vận tải, ngoại thương: B/L, Packing List, Manifest, C/O, L/C,..
3.2 Top các công ty Forwarder uy tín
Hiện nay các đơn vị giao nhận hàng đầu thế giới có thể kể đến như:
- Kuehne+Nagel
- DHL
- DB Schenker
- Panalpina
- CEVA
- Geodis …
Nếu bạn cần tham khảo về dịch vụ FWD hay Forwarder có thế mạnh trên các tuyến hành trình cụ thể thì đừng ngần ngại mà liên hệ trực tiếp đến UFS để được hỗ trợ thông tin từ các chuyên gia của chúng tôi.