Nhà nước ta luôn xem trọng lĩnh vực ngoại thương như một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa và chính trị.
Hoạt động ngoại thương sẽ bao gồm nhiều nội dung khác nhau, trong đó thì xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động thương mại quan trọng nhất.
Tuy nhiên, chỉ nói riêng về nhập khẩu thì cũng đã có rất nhiều hình thức khác nhau. Hãy tham khảo ngay trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
1. Nhập khẩu là gì?
Về mặt lý thuyết thì xuất nhập khẩu được hiểu là hoạt động kinh doanh buôn bán vượt qua phạm vi biên giới của một quốc gia.
Hoạt động trao đổi hàng hóa quốc tế hình thành trên nguyên tắc trao đổi ngang giá, lấy tiền tệ là môi giới và tính trong một khoảng thời gian nhất định thì được gọi là xuất nhập khẩu.
1.1 Khái niệm nhập khẩu:
Nhập khẩu (import) là mua bán, trao đổi hàng hóa từ một quốc gia/vùng lãnh thổ khác, về quốc gia của mình để kinh doanh hay sử dụng.
Nhập khẩu không thể là hành vi buôn bán riêng lẻ mà phải là hệ thống các quan hệ buôn bán trong một nền kinh tế có tổ chức.
Nhập khẩu của mỗi quốc gia thường phụ thuộc vào thu nhập trong nước và tỷ giá hối đoái.
Luật Thương mại 2005 Điều 28 khoản 1 đã có định nghĩa như sau:
“Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
2. Các hình thức nhập khẩu hàng hóa
Dưới đây, UFS sẽ cung cấp đến bạn đọc một số hình thức nhập khẩu đang được áp dụng phổ biến:
2.1 Nhập khẩu trực tiếp
Nhập khẩu trực tiếp được tiến hành khá đơn giản, người mua và người bán trực tiếp giao dịch hàng hóa với nhau, quá trình này không hề ràng buộc về việc bên mua phải bán.
Người nhập khẩu phải tự mình thực hiện mọi công đoạn để ký kết được một hợp đồng kinh từ nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác, ký kết và thực hiện hợp đồng, tự bỏ vốn, trả chi phí và chịu mọi rủi ro trong giao dịch.
2.2 Nhập khẩu ủy thác
Hình thức này là một loại dịch vụ thương mại theo đó chủ hàng thuê một đơn vị trung gian thay mặt và đứng tên nhập khẩu hàng hóa bằng hợp đồng ủy thác.
Dịch vụ này được sử dụng bởi các doanh nghiệp trong nước có vốn ngoại tệ riêng và có nhu cầu nhập khẩu một loại hàng hóa nào đó.
Khi gặp khó khăn trong quá trình giao dịch với đối tác nước ngoài hoặc không được phép nhập khẩu trực tiếp thì họ sẽ thuê những các doanh nghiệp có chức năng thương mại quốc tế tiến hành đứng tên nhập khẩu cho mình.
Trong hình thức này, doanh nghiệp thực hiện ủy thác nhập khẩu không phải bỏ vốn, không cần xin hạn ngạch cũng như không phải tìm kiếm đối tác, giá cả…
Trách nhiệm của bên nhận ủy thác là phải cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, khách hàng, các điều kiện đơn hàng, sau đó ký kết hợp đồng và thực hiện các thủ tục nhập khẩu, đổi lại bên ủy thác sẽ trả phí dịch vụ cho bên nhận ủy thác.
2.3 Buôn bán đối lưu
Buôn bán đối lưu là một phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế, được sử dụng chủ yếu trong giao dịch mua bán.
Theo đó, hàng hóa và dịch vụ được xuất khẩu để nhập về hàng hóa và dịch vụ khác có giá trị tương đương.
Trong phương thức này, doanh nghiệp đã tiến hành đồng thời cả hai hoạt động trọng điểm là xuất khẩu và nhập khẩu chỉ với 1 hợp đồng. Do đó, lượng hàng hóa doanh nghiêp xuất khẩu được tính vào cả kim ngạch xuất khẩu và doanh thu trên hàng hóa nhập khẩu.
2.4 Tạm nhập tái xuất
Đây là hình thức nhập khẩu tạm thời hàng hóa vào một nước, sau đó lại xuất khẩu chính hàng hóa đó đến một nước thứ ba.
Giao dịch tạm nhập tái xuất có mục đích thu lại lượng ngoại tệ lớn hơn số vốn ban đầu đã bỏ ra. Hàng hóa theo diện này được nhập khẩu nhưng không tiêu thụ trong nước mà để xuất khẩu sang một nước thứ ba nhằm thu lợi nhuận.
Một trường hợp gần giống như tạm nhập tái xuất, nhưng hàng hóa được chuyển thẳng từ nước bán hàng sang nước mua hàng, mà không làm thủ tục xuất nhập khẩu trong lãnh thổ Việt Nam gọi là hình thức chuyển khẩu.
2.5 Nhập khẩu gia công
Là hình thức mà bên nhận gia công của Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ người thuê gia công ở nước ngoài, theo hợp đồng gia công đã ký kết.
2.6 Hình thức nhập khẩu liên doanh
Hình thức nhập khẩu này xuất phát từ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.
Họ sẽ chịu trách nhiệm tương đương nhau về hàng hóa, rủi ro, chi phí, cũng như san sẻ lợi nhuận doanh thu từ hàng hóa mà mình đã nhập cho các bên.
Trong số các doanh nghiệp kể trên, cần có ít nhất một doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu trực tiếp.
3. Lưu ý trong hoạt động xuất nhập khẩu
Dù áp dụng bất cứ hình thức nào, bạn cũng cần xem xét kì lưỡng về hàng hóa nhập khẩu của mình:
- Có thuộc diện hàng bị cấm nhập hay không?
- Hàng có giấy phép nhập khẩu chưa?
- Có bắt buộc kiểm tra chất lượng không?
Để tìm hiểu về mặt hàng bị cấm/phải xin giấy phép, bạn hãy tra cứu trong Nghị định 187/2013/NĐ-CP và thông tư 04/2014/TT-BTC.
Sau khi đã xác nhận kỹ lưỡng về hàng hóa nhập khẩu, bạn cần phải nắm rõ quá trình thực hiện những thủ tục khác như:
- Ký kết hợp đồng ngoại thương
- Kí kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế
- Hoàn thành thủ tục hải quan nhập khẩu
- Vận tải hàng hóa
Đó chỉ là những bước cơ bản nhất khi nhập khẩu hàng hóa bởi mỗi loại hình nhập khẩu có thể cần có thêm những thủ tục riêng.
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về các loại hình xuất nhập khẩu và kinh nghiệm khi nhập khẩu hàng hóa hi vọng có thể giúp ích cho nghiệp vụ của bạn.